Nếu bạn đang thắc mắc RAID là gì? thì bài viết sau đây là dành cho bạn. Trước đây, cấu hình RAID chỉ xuất hiện trên các hệ thống máy chủ, máy trạm hoặc máy tính lớn nhưng hiện nay RAID đã trở thành phần cần có trong máy tính để bàn. Bài viết sau đây của VinaHost sẽ giúp bạn hiểu hơn và có thêm những kinh nghiệm để tối ưu hoạt động của RAID.
1. RAID là gì?
RAID là từ viết tắt tiếng Anh của Redundant Arrays of Independent Disks. Đây là thủ thuật gộp nhiều ổ đĩa cứng vật lý thành một hệ thống ổ đĩa cứng nhằm gia tăng chức năng ghi nhớ, truy xuất dữ liệu cũng như tăng thêm sự an toàn cho dữ liệu.
Có nhiều cách để kết hợp ổ đĩa cứng tương ứng với nhiều cấp độ RAID khác nhau. Vậy điểm khác biệt giữa các cấp độ RAID là gì? Mỗi cấp độ RAID sẽ có đặc tính riêng về:
- Khả năng chịu lỗi (Fault-tolerance): Là khả năng chấp nhận tồn tại của một hoặc vài lỗi đĩa.
- Hiệu suất (Performance): Gia tăng đáng kể tốc độ đọc và ghi nhớ dữ liệu của RAID ổ cứng so với một đĩa đơn.
- Dung lượng của ổ đĩa (The capacity of the array): Là lượng dữ liệu mà cấu hình RAID có thể ghi nhớ. Dung lượng này phụ thuộc vào cấp độ RAID. Bạn cần lưu ý rằng tổng dung lượng không đồng nghĩa với tổng kích thước của các đĩa thành viên. Bạn có thể sử dụng công cụ RAID calculator để đo chính xác dung lượng lưu trữ.
Xem thêm: Dung lượng lưu trữ là gì? | Kiểm tra & Ước tính Disk Space
2. Lịch sử hình thành và phát triển của RAID
Sau khi đã hiểu được RAID là gì thì mời bạn tìm hiểu về về lịch sử của RAID. RAID ổ cứng được phát triển lần đầu tiên tại Đại học California của Berkeley (Hoa Kỳ) vào năm 1887. Các nhà nghiên cứu đã dùng phần mềm để ghép các phần đĩa cứng nhỏ thành một hệ thống đĩa có dung lượng lớn hơn. Sau đó, Hội đồng tư vấn phát triển RAID (RAB) đã được thành lập để định hướng và lập ra các tiêu chuẩn cho RAID. Theo đó, RAID ổ cứng đã được phân loại theo từng cấp độ.
3. Các loại RAID theo từng cấp độ
Dưới đây là 7 cấp độ (level) của RAID với những đặc điểm riêng biệt.
3.1. RAID 0
Cấu hình RAID 0 được thiết lập dựa trên kỹ thuật striping. Cấp độ này không đem đến khả năng chịu lỗi mà chỉ tăng hiệu năng hoạt động, cụ thể là tăng tốc độ đọc và ghi nhớ dữ liệu.
RAID 0 cần ít nhất 2 ổ đĩa và các đĩa là cùng loại.
Ví dụ với 2 ổ đĩa 80GB thì hệ thống ổ đĩa sẽ là 160GB và mỗi đĩa chỉ cần đọc và ghi nhớ 1/2 lượng dữ liệu yêu cầu.
- Ưu điểm: Tăng hiệu năng hoạt động.
- Nhược điểm: Độ an toàn thấp vì khi hư một đĩa thì sẽ mất dữ liệu trên tất cả các đĩa còn lại.
- Ứng dụng: Loại RAID ổ cứng này thích hợp sử dụng cho việc lưu trữ những dữ liệu không quá quan trọng, chẳng hạn như phục vụ cho việc chỉnh sửa hình ảnh hoặc video.
3.2. RAID 1
RAID 1 yêu cầu sử dụng kỹ thuật mirroring, giúp gia tăng tốc độ đọc và có khả năng đảm bảo an toàn dữ liệu. Cấu hình RAID 1 cho phép khả năng chịu lỗi khi hư hỏng không quá một đĩa thành viên.
Loại RAID ổ cứng này cần 2 ổ đĩa cứng để làm việc và dữ liệu sẽ được ghi vào cả 2 ổ đĩa.
Do đó, dung lượng cuối cùng của cấu hình RAID 1 sẽ bằng dung lượng của 1 ổ đơn.
Ví dụ với 2 ổ đĩa 80GB thì hệ thống ổ đĩa sẽ là 80GB vì các dữ liệu được ghi 2 lần.
Nếu một ổ đĩa bị sự cố thì ổ đĩa còn lại vẫn làm việc và hoạt động bình thường. Khi đó, người dùng cũng có thể dễ dàng thay thế ổ đĩa bị hỏng và tiếp tục sử dụng.
- Ưu điểm: Đảm bảo an toàn dữ liệu trong trường hợp một ổ đĩa bị lỗi.
- Nhược điểm: Vì tất cả dữ liệu đều được ghi 2 lần nên dung lượng lưu trữ không nhiều, chỉ bằng một nửa tổng dung lượng drive. Ngoài ra, cấu hình RAID 1 đôi khi không cho phép hoán đổi nhanh ở drive bị lỗi nên drive bị lỗi chỉ có thể được thay thế sau khi tắt nguồn máy tính. Điều này gây khó khăn cho các server được sử dụng đồng thời bởi nhiều người. Trong trường hợp này, người dùng cần có bộ điều khiển phần cứng hỗ trợ hoán đổi nhanh.
- Ứng dụng: RAID 1 thích hợp cho việc lưu trữ các dữ liệu quan trọng, ví dụ như dữ liệu kế toán.
3.3. RAID 0+1
Khi kết hợp 2 kỹ thuật striping và mirroring sẽ tạo thành RAID 0+1.
Cấu hình RAID 0+1 yêu cầu tối thiểu 4 ổ đĩa cứng và dữ liệu sẽ được ghi trên cả 4 ổ đĩa.
Trong đó, 2 ổ được ghi dạng Striping và 2 ổ ghi dạng Mirroring. Vì thế, dung lượng RAID 0+1 sẽ bằng 1/2 tổng dung lượng 4 ổ đĩa.
Ví dụ: 4 ổ đĩa 80GB thì dung lượng sẽ là 160GB theo cách tính (80*4)/2=160GB.
- Ưu điểm: Tích hợp hiệu năng của RAID 0 và khả năng chịu lỗi của RAID 1.
- Nhược điểm: Chi phí khá đắt vì cần 4 ổ đĩa cứng.
- Ứng dụng: Phù hợp với nhu cầu lưu trữ các dữ liệu quan trọng, không yêu cầu cao về tốc độ đọc và ghi nhớ dữ liệu.
3.4. RAID 2
Cấu hình RAID 2 không dùng những kỹ thuật phổ biến như stripe hay mirror.
RAID 2 sử dụng 2 cụm ổ đĩa, trong đó cụm thứ nhất chứa các dữ liệu được phân tách tương tự RAID 0 và cụm thứ hai chứa các mã ECC để sửa chữa lỗi ở cụm thứ nhất.
Cách thức hoạt động này nhằm đảm bảo rằng các dữ liệu được đọc đúng.
- Ưu điểm: RAID 2 có khả năng chịu lỗi của 1 ổ đĩa.
- Nhược điểm: Chi phí rất cao vì đòi hỏi 1 bộ điều khiển phức tạp và chuyên dụng. Loại RAID ổ cứng này yêu cầu tới 4 ổ đĩa ECC và 10 ổ đĩa dữ liệu.
- Ứng dụng: Gần như không được sử dụng phổ biến vì chi phí triển khai là quá lớn và hiệu suất không cao.
3.4. RAID 5
RAID 5 được đánh giá là có hiệu suất khá tốt. RAID 5 được hình thành nhờ kỹ thuật stripe và parity với hiệu suất hoạt động tương tự RAID 0. Với các parity được phân bổ đều trên tất cả các ổ cứng thì RAID 5 có cơ chế khôi phục dữ liệu.
Cấu hình RAID 5 yêu cầu tối thiểu 3 ổ cứng có dung lượng bằng nhau và cho phép tối đa có 1 ổ cứng bị hỏng tại một thời điểm. Nếu có nhiều hơn 1 ổ cứng bị hỏng thì toàn bộ dữ liệu sẽ mất hết.
- Ưu điểm: Tốc độ đọc dữ liệu nhanh nhưng tốc độ ghi nhớ dữ liệu sẽ chậm hơn do parity phải được tính toán. Dù một drive bị lỗi hoặc đang được thay thế thì người dùng vẫn có thể truy cập vào tất cả dữ liệu như bình thường.
- Nhược điểm: Lỗi drive có ảnh hưởng đến thông lượng, tuy nhiên điều này vẫn có thể chấp nhận được.
- Ứng dụng: Với ưu điểm nổi bật về khả năng lưu trữ và bảo mật dữ liệu, loại RAID ổ cứng này có thể sử dụng cho các server file.
3.5. RAID 6
Tương tự như RAID 5, dữ liệu của RAID 6 được ghi vào hai ổ đĩa.
Vì thế, loại RAID ổ cứng này cần ít nhất 4 drive và có thể chịu được sự hư hỏng của 2 drive đồng thời.
RAID 6 vượt trội hơn RAID 5 ở khả năng chịu lỗi. Tuy nhiên, quá trình rebuild drive bị lỗi có thể mất hàng giờ hoặc thậm chí hơn một ngày.
- Ưu điểm: Tốc độ đọc dữ liệu nhanh và người dùng vẫn có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu ngay khi drive bị lỗi hoặc đang được thay thế.
- Nhược điểm: Hiệu suất ghi của RAID 6 thấp hơn 20% so với RAID 5 và việc rebuild khi có drive bị lỗi sẽ mất nhiều thời gian.
- Ứng dụng: RAID 6 thường được ưu tiên hơn RAID 5 trong các ứng dụng server để lưu trữ dữ liệu.
3.6. JBOD
JBOD là tên viết tắt của Just a Bunch Of Disks. Loại RAID ổ cứng này không phải là một RAID chính thống nhưng vẫn có một số đặc tính tương tự.
Với JBOD, người dùng có thể kết nối một số lượng ổ đĩa vào bộ điều khiển RAID của mình, miễn là trong giới hạn cổng cho phép và ghép lại thành một đĩa cứng lớn hơn.
Ví dụ, khi kết nối các ổ đĩa 10GB, 20GB và 30GB thì sẽ được một đĩa cứng 60GB.
Tuy nhiên, JBOD không đảm bảo an toàn dữ liệu hay cải thiện hiệu suất mà chỉ đơn thuần kết nối và tổng hợp dung lượng.
3.7. Một số loại RAID khác
Ngoài ra, chúng ta còn có những loại RAID khác ít phổ biến hơn, ví dụ như:
- RAID 1E: Với sự kết hợp của kỹ thuật striping và mirroring, cho phép tồn tại lỗi trên một đĩa thành viên hoặc bất kỳ số lượng đĩa không liền kề nào.
- RAID 5E: Tương tư như RAID 5 nhưng có tích hợp thêm không gian dự phòng, cho phép sửa chữa ngay lập tức trong trường hợp đĩa bị lỗi.
Tóm lại, RAID ổ cứng là gì? hay công nghệ RAID là gì? Đây là cách lý giải đơn giản:
- RAID được ghép từ các loại ổ cứng, tốt nhất là có dung lượng bằng nhau.
- Sử dụng RAID đòi hỏi số lượng ổ cứng nhiều hơn bình thường nhưng dữ liệu sẽ an toàn hơn.
- RAID ổ cứng thích hợp cho mọi hệ điều hành từ Window 98, window XP, window server 2016, Window 10, MAC OS X, Linux…vv
- RAID 0 sẽ có dung lượng cuối cùng bằng tổng dung lượng các ổ cộng lại.
- RAID 1 có dung lượng tương đương dung lượng 1 ổ.
- Dung lượng của RAID 5 ít hơn 1 ổ
- Dung lượng của RAID 6 ít hơn 2 ổ
Ví dụ, với loại ổ 1TB:
Số lượng ổ cứng | Cấp độ RAID khả dụng | Khả năng chịu lỗi | Tổng dung lượng |
2 | RAID 0 | Hỏng 1 ổ là mất dữ liệu | 2TB |
RAID 1 | Hỏng 1 ổ | 1TB | |
3 | RAID 1 | Hỏng 2 ổ | 1TB |
RAID 5 | Hỏng 1 ổ | 2TB | |
4 | RAID 5 | Hỏng 1 ổ | 3TB |
RAID 6 | Hỏng 2 ổ | 2TB | |
5 | RAID 5 | Hỏng 1 ổ | 4TB |
RAID 6 | Hỏng 2 ổ | 3TB | |
6 | RAID 5 | Hỏng 1 ổ | 5TB |
RAID 6 | Hỏng 2 ổ | 4TB |
Xem thêm: Ổ cứng SSD là gì? | Cách kiểm tra ổ cứng SSD hay HDD
4. Phương thức chính lưu trữ dữ liệu trong RAID
Vậy phương thức lưu trữ trong RAID là gì? Sau đây là một số phương thức chính được dùng để lưu trữ dữ liệu trong cấu hình RAID.
- Striping: Cách thức này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất, theo đó dữ liệu sẽ được tách thành từng luồng với những khối có kích thước nhất định và được ghi vào RAID.
- Mirroring: Kỹ thuật lưu trữ này cho ra những bản sao dữ liệu giống nhau trên những thành viên RAID.
- Parity: Kỹ thuật này sử dụng phương pháp tổng kiểm tra và phân loại. Theo đó, 1 hàm chẵn lẻ nhất định sẽ được tính cho những khối dữ liệu. Khi 1 ổ đĩa bị lỗi, thì khối bị thiếu sẽ được tính lại từ tổng kiểm tra và cung cấp về khả năng chịu lỗi RAID.
5. Hướng dẫn cách triển khai RAID chi tiết
RAID ổ cứng có thể được tạo bằng hai cách khác nhau:
- Hardware RAID: Phần cứng.
- Software RAID: Trình điều khiển hệ điều hành.
5.1. Triển khai RAID phần cứng
Để triển khai RAID phần cứng thì bạn có 2 lựa chọn:
- Tích hợp Chip RAID rẻ tiền vào bo mạch chủ
- Lựa chọn bộ điều khiển RAID độc lập với chi phí cao hơn, có thể được trang bị CPU riêng và bộ nhớ đệm được sao lưu bằng pin
Dưới đây là một số ưu điểm của RAID phần cứng so với RAID phần mềm:
- Người dùng được tạo phân vùng khởi động
- Không sử dụng CPU của máy chủ
- Giao tiếp với các thiết bị trực tiếp nên xử lý tốt hơn
- Hỗ trợ trao đổi nóng
5.2. Triển khai RAID phần mềm
Hầu hết mọi hệ điều hành đều có khả năng tích hợp để tạo RAID phần mềm. RAID phần mềm sẽ sử dụng CPU hệ thống máy chủ để tạo nên tải CPU có thể bị ảnh hướng. Trường hợp RAID cấp 0 và 1 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tải CPU, nhưng các loại RAID dựa trên tính chẵn lẻ sẽ làm thay đổi từ 1 đến 5% tải CPU. Dao động này tùy thuộc vào sức mạnh CPU và số lượng đĩa.
6. Các điều kiện cần thiết để chạy được RAID
Vậy những yếu tố cần trang bị để chạy được RAID là gì? Để sử dụng RAID ổ cứng, người dùng cần có ít nhất hai ổ đĩa cứng với dung lượng giống nhau và một card điều khiển. Người dùng có thể lựa chọn các ổ đĩa như ATA, Serial ATA hoặc SCSI nhưng lưu ý rằng chúng nên giống nhau để tối ưu hiệu năng hoạt động. Vì nếu kết hợp một ổ cứng 160GB với một ổ 40GB thì dung lượng cuối cùng là 40GB, điều này gây ra lãng phí vô ích. Số lượng ổ đĩa phụ thuộc vào cấp độ RAID mà bạn chọn.
Nếu bo mạch chủ không tích hợp RAID, bạn có thể mua card điều khiển PCI trên thị trường. Card RAID có thể là onboard hoặc rời, giúp tập trung các cáp dữ liệu nối các đĩa cứng trong hệ thống RAID và xử lý toàn bộ dữ liệu đi qua đó.
Các khay hoán đổi nóng ổ đĩa là một thành phần không bắt buộc, tuy nhiên cũng rất hữu ích. Chúng cho phép thay thế ổ đĩa bị lỗi mà không cần tắt hệ thống. Do đó, chúng đặc biệt quan trọng đối với các hệ thống máy chủ cần phải hoạt động liên tục.
6.1. Chọn RAID phù hợp
Bạn có thể lựa chọn một trong các cấp độ RAID nêu trên để triển khai thực hiện. Trong đó, RAID 0 và 1 là hai cấp độ tiết kiệm chi phí nhất và thường được sử dụng phổ biến hiện nay.
RAID 0 cũng là cấp độ có tốc độ đọc và ghi nhớ dữ liệu nhanh nhất nhưng lại không đảm bảo được an toàn dữ liệu. Vì vậy, RAID 0 không phải là giải pháp lưu trữ dữ liệu lâu dài nhưng lại phù hợp cho các ổ đĩa tạm thời cần tốc độ cao.
RAID 1 không có tác dụng gì nhiều ngoại trừ việc tạo thêm một ổ đĩa nữa giống hệt ổ chính để lưu trữ. Vì thế, RAID 1 sẽ hữu ích với những người dùng cần lưu trữ dữ liệu quan trọng như thông tin khách hàng hay tài khoản.
RAID 0+1 và 5 sẽ có chi phí cao hơn và thường được sử dụng nếu người dùng có những nhu cầu lưu trữ đặc biệt. Do đó, trước tiên bạn cần xác định nhu cầu sử dụng RAID là gì.
Dưới đây là bảng phân loại các cấp độ RAID theo nhu cầu sử dụng.
Tên RAID | Bảo vệ dữ liệu | Dung lượng đĩa được sử dụng | Tốc độ đọc | Tốc độ ghi | Số lượng đĩa tối thiểu |
RAID 0 | Không | 100% | www | www | 2 |
RAID 1 | Có | 50% | ww | ww | 2 |
RAID 5 | Có | 67% – 94% | www | w | 3 |
RAID 6 | Có | 50% – 88% | ww | w | 4 |
6.2. Chọn phần cứng
Các chipset điều khiển RAID thường sẽ được tích hợp trên bo mạch chủ nên bạn sẽ không có nhiều lựa chọn. Thông thường sẽ có hai loại bộ điều khiển RAID là chip điều khiển được tích hợp trên chipset hoặc bên ngoài chipset.
Chipset điều khiển tích hợp bao gồm:
- Dòng i865/875/915/925/945/955 của Intel ICH5R, ICH6, ICH7
- nForce 3 Series (AMD A64), nVIDIA nForce2-RAID (AMD), nForce 4 Series (AMD A64/ Intel 775)
Đây là những loại dễ sử dụng và có độ trễ thấp nhưng tính năng khá hạn chế. Do đó, bạn có thể lựa chọn các loại chip điều khiển bên ngoài của các hãng Silicon Image, Adaptec, Promise Technology để có tính năng đa dạng hơn. Tuy nhiên, những loại này thường có độ trễ cao.
Khi lựa chọn những loại Card rời thì bạn cần lưu ý Silicon Image Sil3112 có tính tương thích kém nên dễ mất dữ liệu nếu chuyển sang các cấp độ RAID khác. Thay vào đó, Sil3114 có độ tương thích cao hơn. Các hệ ICH5,6,7 và nForce có BIOS RAID thông minh với tính năng nhận diện nhóm ổ cứng RAID định dạng sẵn, giúp trao đổi ổ cứng qua lại dễ dàng.
Đối với các bo mạch chủ thế hệ mới có hỗ trợ cả RAID 5, ví dụ như DFI Lanparty NF4 SLI-DR. Các loại giao tiếp dành cho PS như PATA hoặc SATA và SATA là những lựa chọn phù hợp vì tích hợp nhiều cải tiến công nghệ và không cần sử dụng nhiều cáp. Bạn cũng có thể đầu tư thêm những sản phẩm cao cấp cho phép cắm thêm RAM để tăng tốc độ hoạt động.
Khi chọn ổ cứng, bạn nên ưu tiên những loại có tốc độ truy xuất nhanh và khả năng truyền dữ liệu lớn. Tốc độ truy xuất là thời gian để đĩa cứng tìm thấy dữ liệu cần dùng, chỉ số này càng thấp càng tốt. Bạn cũng cần chú ý đến bộ đệm, ổ cứng nên có bộ đệm lớn từ 8MB trở lên, tích hợp các công nghệ tăng hiệu suất làm việc như Seagate NCQ. Cuối cùng là nên chọn các ổ cứng giống nhau để đảm bảo hiệu suất tốt nhất.
6.3. Tiến hành cài đặt
Vậy các bước cài đặt RAID là gì? Quá trình cài đặt RAID thực ra không quá phức tạp, các bước cơ bản bao gồm.
Bước 1: Xem tài liệu đính kèm theo sản phẩm để cắm ổ cứng vào vị trí RAID trên bo mạch.
Bước 2: Vào BIOS của bo mạch chủ để kích hoạt bộ điều khiển RAID và chỉ định các cổng liên quan.
Bước 3: Lưu thông số và khởi động lại máy tính.
Bước 4: Quan sát màn hình thông báo và nhấn tổ hợp phím theo yêu cầu để vào BIOS RAID.
Tùy theo cấp độ RAID bạn chọn mà sẽ có giao diện khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ có những thao tác sau:
- Chỉ định ổ cứng tham gia RAID
- Lựa chọn kiểu RAID
- Chỉ định Block Size
Thông số Block Size sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của RAID. Nếu Block Size là 64KB thì sẽ có 64KB được ghi vào ổ đĩa trong mọi trường hợp, dù có thể chỉ là file text với dung lượng chỉ 2KB. Do đó, giá trị Block Size nên là kích thước trung bình của các file được sử dụng, ví dụ với tài liệu Word, bạn nên để Block Size nhỏ. Ngược lại, với phim ảnh hoặc nhạc thì Block Size sẽ lớn hơn. Nếu người dùng không có nhu cầu đặc biệt thì nên chọn Block Size là 128KB cho PC.
Sau quá trình bộ điều khiển nhận diện ổ đĩa cứng mới thì bạn có thể cài đặt hệ điều hành định dạng ổ RAID. Việc cài hệ điều hành không có gì đặc biệt nhưng bạn cần chuẩn bị một ổ đĩa mềm và đĩa mềm chứa trình điều khiển cho bộ điều khiển RAID. Bạn chú ý dòng chữ phía dưới màn hình để nhấn F6 và chờ đợi đến khi được yêu cầu thì nhấn phím S để thêm driver RAID vào cài đặt.
Các bước tiếp theo tương tự như quá trình cài đặt trên một ổ đĩa cứng bình thường. Sau khi cài đặt xong, bạn có thể thêm các tiện ích điều khiển hệ thống RAID như Intel Application Accelerator RAID Edition hay nVIDIA RAID Manager để tăng hiệu năng và tính năng mở rộng.
Vậy những lưu ý đặc biệt khi cài đặt RAID là gì?
- Đừng quên sao lưu dữ liệu và format lại ổ đĩa nếu bạn muốn thiết lập RAID 0 trên một ổ đĩa đang chứa dữ liệu.
- Bạn nên có một ổ đĩa lưu trữ các tập tin quan trọng khi sử dụng RAID 0 để tránh mất dữ liệu.
- Trong trường hợp máy tính bị khởi động bất thường thì quá trình nhận diện ổ đĩa cứng có thể mất nhiều thời gian hơn kèm theo tiếng động lạ phát ra từ phần cơ của đĩa cứng.
- Các nhóm đĩa cứng có nhiệt lượng tỏa ra khá lớn nên bạn cần có giải pháp tản nhiệt để tránh tác động xấu về lâu dài.
7. Liệu RAID có thể thay thế cho backup dữ liệu không?
RAID không thể thay thế cho các back-up dữ liệu. Ngoại trừ RAID 0, các cấp độ RAID khác đều có khả năng bảo vệ dữ liệu khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì bạn vẫn cần backup dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống RAID.
Điều này nhằm tránh các trường hợp sau:
- Các ổ drive đồng thời bị hỏng do đột biến điện năng.
- Hệ thống RAID bị hỏng hoàn toàn do thảm họa tự nhiên hoặc hỏa hoạn.
- Người dùng vô tình xóa dữ liệu quan trọng trong RAID ổ cứng.
Vì thế, kết hợp sử dụng công nghệ RAID và các giải pháp sao lưu định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ dữ liệu của bạn.
8. Một số câu hỏi liên quan đến RAID mà bạn nên biết
Sau khi đã hiểu rõ RAID là gì? thì đây có thể sẽ là những thắc mắc tiếp theo của bạn.
8.1. Hot Spare là gì?
Khi bạn gặp sự cố trong quá trình sử dụng RAID ổ cứng thì bạn cần tìm kiếm một ổ đĩa cứng cùng loại và số serial. Nhưng điều này đôi lúc rất khó khăn. Vì vậy, bạn cần đến Hot Spare. Đây là một cơ chế dự phòng để đảm bảo tính ổn định của hệ thống.
Theo đó, khi một thành phần của hệ thống RAID bị hư hỏng thì Hot Spare sẽ tự động thay thế thành phần đó. Cụ thể, khi một trong hai ổ đĩa cứng hỏng thì ổ đĩa cứng khác sẽ tự động thay thế và thiết lập lại hệ thống RAID, giúp đảm bảo tính ổn định và tránh mất dữ liệu.
8.2. Intel Serial IO Driver là gì?
Công dụng của Intel Serial IO Driver là kết nối phần mềm giữa các thiết bị và hệ điều hành MAC, Tablet hoặc PC của bạn. Intel Serial IO Driver sẽ giúp giám sát và điều khiển giao tiếp giữa các phụ kiện thiết bị và ứng dụng. Nếu không có trình điều khiển này, RAID sẽ không hoạt động được.
8.3. Stripping là gì?
Đây là một phương pháp lưu trữ dữ liệu tuần tự trên nhiều ổ đĩa cứng với mục đích là tăng tốc độ truy xuất. Phương thức hoạt động của data striping là tạo ra một tập tin lưu trữ dữ liệu liên tục tương tự như một tập tin đơn, bằng cách lần lượt phân chia các bit của mỗi byte. Sau đó lưu trữ chúng trên các đĩa khác nhau.
8.4. Intel® Rapid Storage Technology là gì?
Intel® Rapid Storage Technology hay còn được gọi là công nghệ IRST. Đây là một trong những giải pháp giúp bảo vệ dữ liệu trong trường hợp 1 phần ổ cứng bị hỏng. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp quản lý ổ cứng hiệu quả, tăng tốc độ truy xuất dữ liệu và tiết kiệm năng lượng. IRST đã được tích hợp trên nhiều nền tảng hệ điều hành Windows phổ biến như Windows 7, 8, 8.1, 10.
9. Tổng kết
Hy vọng bài viết đã giúp bạn trả lời được câu hỏi RAID là gì? và hiểu hơn hơn về cấu hình RAID. Với sự phát triển của công nghệ, RAID sẽ tiếp tục được cải tiến và đáp ứng cho các hệ thống máy tính cao cấp. Công nghệ RAID được phân chia thành nhiều cấp độ.
Trong đó, RAID 0 và 0+1 thường được sử dụng trong các PC gia đình. Dù mức độ an toàn dữ liệu của RAID 0 không cao nhưng nó cung cấp hiệu năng nhanh nhất. RAID 1 đem đến độ an toàn thông tin cao nhất, nhưng hiệu năng và dung lượng chỉ đạt được 50%. RAID 5 và RAID 6 có độ an toàn cao và hiệu năng tốt nhưng chi phí triển khai sẽ cao hơn.
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn cấp độ RAID phù hợp. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các bài viết khác của VinaHost TẠI ĐÂY và đừng ngại ngần liên hệ với VinaHost nếu cần hỗ trợ nhé:
- Email: support@vinahost.vn
- Hotline: 1900 6046
- Livechat: https://livechat.vinahost.vn/chat.php
Xem thêm
Hosting là gì? Tổng hợp kiến thức cần biết [A-Z] khi mua Web Hosting
[Tổng Hợp] 20 Phần Mềm Quản Lý Hosting Đơn Giản Và Hiệu Quả 2023